3/2/12

Yêu Hải Phòng hơn khi nghe “Về miền sóng, về miền gió”


Lần đầu tôi được nghe bài hát này năm 2001, cảm xúc thật khó diễn tả. Vừa da diết, vừa cồn cào, vừa thấy nhớ thương, dù tôi sinh ra ở Hải Phòng và vẫn đang sinh sống, làm việc tại Hải Phòng. Tiết mục biểu diễn của tốp học sinh nam Trường Trung học Văn hoá nghệ thuật thành phố với bài hát của nhạc sĩ Phạm Văn Hanh (Hội Nhạc sĩ Hải Phòng) vang lên trong một hội diễn văn nghệ quần chúng cách đây 10 năm, cũng là năm nhạc sĩ sáng tác bài hát này hưởng ứng cuộc thi sáng tác ca khúc về Hải Phòng trong thời kỳ mới (phát động tháng 4-2000).
Ca khúc được trao giải nhất của cuộc thi. Vượt qua 105 tác phẩm của 71 tác giả tại 10 tỉnh, thành phố (trong đó Hà Nội và Hải Phòng là hai địa phương có nhiều tác phẩm tham gia nhất). Sau vòng sơ khảo, 20 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo. Chỉ có 9 tác phẩm được trao giải, đều nằm trong 3 dòng nhạc thính phòng, dân gian và phổ thông. Cùng với giải nhất của nhạc sĩ Phạm Văn Hanh cho “Về miền sóng, về miền gió”, còn có 2 giải nhì, 4 giải ba và 2 giải khuyến khích được trao cho các tác giả với những ca khúc nổi bật. Tuy nhiên, đọng lại trong lòng công chúng yêu nhạc và người Hải Phòng vẫn là những giai điệu xen giữa trữ tình và dữ dội đúng chất miền biển trong bài hát của nhạc sĩ Phạm Văn Hanh.
Hải Phòng - miền đất của sóng và gió
“Anh đưa em về một miền sóng, anh đưa em về một miền gió. Một miền sóng miền biển khơi, một trời gió lộng. Một miền trắng, một miền xanh, một thành phố xanh…” – Những ca từ mở đầu bài hát dịu dàng, da diết như lời tâm tình của một chàng trai đất Cảng đang thủ thỉ với người yêu về quê hương mình. Vùng quê ấy ngập tràn sóng, gió. Tưởng dữ dằn, khô khan nhưng lại thật nhẹ nhàng và sâu sắc. Ẩn trong ca từ của bài hát, nhạc sĩ khéo léo mượn lời chàng trai kể về huyền thoại mở đất của Nữ tướng Lê Chân khai sinh ra vùng đất An Biên xưa để có một Hải Phòng ngày nay.
Bài hát của nhạc sĩ Phạm Văn Hanh với hai dòng cảm xúc khác biệt giữa đoạn nhạc đầu và điệp khúc. Đúng như chất của biển khơi khi dữ dằn khi dịu dàng tha thiết. Phải yêu Hải Phòng, hiểu Hải Phòng lắm mới có thể gợi tả không gian sóng, gió của miền đất này một các đặc biệt như thế. Vì những gì mà nhạc sĩ thể hiện trong bài hát, trong từng ca từ, nốt nhạc đều đúng như tố chất của người Hải Phòng, thật thà, chất phác.“Dữ dội và dịu êm/Ồn ào và lặng lẽ” – hai câu thơ trong bài “Sóng” của nữ sĩ Xuân Quỳnh cũng đã tả hai mặt trái của sóng, của biển. Trong bài hát của Phạm Văn Hanh, những nốt nhạc quyện với ca từ lột tả thành công hai tố chất hoàn toàn đối nghịch nhau của “một miền sóng, một miền gió”. Đó chính là Hải Phòng. Cũng vì thế, người ta thường ví người Hải Phòng là “ăn sóng, nói gió”. Nhưng đừng nghĩ đó là dữ dằn, là thô kệch. Ẩn sau lớp sóng ấy lại là những lời thì thầm thật tha thiết dịu êm. Nhạc sĩ lý giải rằng, sóng gió cũng chính là biểu hiện tình yêu của biển. Có sóng, có gió thì mỗi lúc ra khơi mới lại thấy nỗi nhớ càng mênh mông.
“Sóng đấy gió đấy, có nghe chăng biển hát. Nắng cháy bão tố, những ngày rực lửa. Sóng đấy gió đấy, như tình yêu một thuở. Một thuở nồng say, một thuở thơ ngây… Thương lắm, nhớ lắm, ta hẹn nhau cùng về. Về miền sóng miền gió, về Hải Phòng thương yêu.” Càng nghe những giai điệu lúc nhẹ nhàng lúc sôi nổi của bài hát này, lại càng thấy như cái chất mặn mòi của biển ẩn sâu trong từng mạch máu của người dân miền sóng, miền gió. Để lại càng thấy yêu Hải Phòng hơn. Như tâm trạng của nhiều người Hải Phòng chia sẻ trên các diễn đàn internet khi nghe bài hát này. Và những người không sinh ra trên vùng đất này cũng sẽ yêu hơn tính cách dữ dội và dịu êm của những người con miền biển.
Khánh Xuân

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...
 
Copyright © 2010-2012 CON CUA BIEN. All rights reserved.