Nếu đứng cùng một nhóm người đủ các chủng tộc, tôi tự hào là người châu Á; nếu đứng trong nhóm người châu Á tôi tự hào rằng tôi là người Việt Nam và nếu đứng trong đám đông người Việt Nam, tôi tự hào “Tôi là người Hải Phòng”.
Bạn có thế không? Có chứ, làm sao không tự hào cho được khi được làm công dân của thành phố đầy nhiệt huyết này. Hải Phòng không mang vẻ đẹp đằm thắm kiêu sa của thiếu nữ thời xưa như Hà Nội mà mang vẻ đẹp của một chàng trai mười tám đôi mươi, luôn rạo rực, sẵn sàng cống hiến, đặc biệt lòng nhiệt tình lúc nào cũng chảy tràn trong huyết quản.
Chiều về bên quán hoa thành phố
Khi mùa hè đến cả thành phố như bừng cháy bởi màu đỏ của phượng vỹ, vì thế mà người ta còn đặt cho nơi này một cái tên trìu mến “Thành phố Hoa phượng đỏ“. Hoa phượng ngày càng được trồng nhiều hơn trên những đại lộ lớn nối liền với các tỉnh bạn. Loài hoa đã đi vào tâm thức của người dân Hải Phòng. Trong màu đỏ thắm của hoa phượng xen kẽ đâu đây màu tím của hoa bằng lăng và màu vàng của hoa điệp khiến thành phố rực rỡ như một bức tranh rực rỡ.
Những con đường rợp bóng mát, những trưa hè lang thang cũng là nỗi nhớ của nhiều người con xa thành phố. Đường Trần Phú, Hồ Xuân Hương, Lê Đại Hành… là những con đường thơ mộng và yên tĩnh để mỗi khi hè về, nhất là vào tháng Năm, các cô cậu học trò chia tay nhau, màu áo trắng bịn rịn kín cả con đường.
Hải Phòng vào mùa hè có chút nóng bỏng mang hơi biển cả thì dải vườn hoa trung tâm thành phố, khu quảng trường Nhà hát lớn và những quán hoa dường như một ốc đảo xua đi cái nóng bức ấy, hàng cây xanh hai bên đường làm cho màu nắng dịu dàng hơn. Mấy quán hoa cong cong rêu phong được xây dựng từ những năm 1940 đậm nét kiến trúc phương Đông, ẩn mình dưới tán phượng vỹ, mang vẻ dịu dàng đẹp truyền thống của người Hải Phòng. Xa xa, phía sau quán hoa là tượng đài nữ tướng Lê Chân, người khai phá ra Hải Phòng, nhớ ơn bà nhân dân Hải Phòng đã lập đền thờ và đặt tên là đền Nghè.
Ngoài ra, Hải Phòng còn được nhắc đến với nhiều món ăn dân dã gắn với con người vùng biển, ví dụ như bánh đa cua, bánh bèo, đặc biệt là những món ăn từ hải sản.
Đối với các cô cậu học trò hay với những người đã có một thời học trò gắn với mảnh đất này thì không thể quên được món “Bánh đa Da liễu“. Nghe vậy bạn đừng sợ, không phải ăn bánh đa vào thì bị da liễu đâu nhé, mà chỉ tại hàng bánh đa này nằm ngay trước cổng Trung tâm Da liễu nên cái tên nó mới “kêu và vần” như vậy. Tôi không biết bây giờ nó còn ngon như ngày xưa không nhưng đối với tôi hồi ấy mà nói, sau buổi giảng khô như củi của thầy giáo thì nó ngon chẳng khác gì sơn hào hải vị. Và hàng bánh bèo ngon nhất trên đường Lê Đại Hành, càng cay càng ngon, vừa ăn vừa xuýt xoa, nước mắt nước mũi chảy ròng ròng. Tuổi học trò gắn liền với những tháng ngày rong ruổi trên từng con đường trong thành phố nhờ thế mà tôi biết thành phố của tôi đẹp và đáng yêu biết nhường nào.
Nếu bạn ghé thăm Hải Phòng, người Hải Phòng sẽ làm hài lòng bạn với những cách tiếp đón và với những món ăn đặc sản của biển: tôm, ghẹ, tu hài, các loại cá biển… đều tươi rói. Thế nhưng, hải sản chưa phải là điều đang ấn tượng vì ở bất kỳ thành phố biển nào cũng có. Hải Phòng chúng tôi còn có một đặc sản nữa rất đặc biệt đó là “con gái Hải Phòng”. Thực tế chứng minh đó, những cuộc thi sắc đẹp trong và ngoài nước, cứ cô nào nhìn xinh xinh hỏi ra y như rằng “Em là người Hải Phòng“. Đây cũng là kết luận của những người tỉnh khác đã từng yêu và quen con gái Hải Phòng.
Nếu nói đến người Hải Phòng phải nói đến tính cách thẳng thắn và mạnh bạo, nói một là một, hai là hai. Và tôi yêu Hải Phòng ở chính những nét đẹp ấy, những thứ tôi không thể tìm được ở xứ sở xa xôi và hiện đại nơi tôi đang sống.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét