3/2/12

Thành phố biển yêu thương


Với mỗi người dân Hải Phòng, cứ hè về đón những ban mai  nắng ngời rực rỡ  trên những cành hoa phượng vĩ bên bờ sông Lấp lại dấy lên những hy vọng, xốn xang, những niềm vui chắp cánh cho bao mơ ước bình dị của những người lao động đang miệt mài dựng xây thành phố Cảng yêu thương của mình.
Ôi ! Mỗi tháng 5 về, trong tôi lại trào lên cảm xúc yêu thương mãnh liệt về thành phố cần lao “muối mặn, gừng cay” nơi tôI cất tiếng khóc chào đời và lớn lên với bao niềm vui, nỗi buồn, những cực nhọc, lo toan nhưng rất đỗi tự hào về quê huơng yêu dấu của mình.
Trường cấp II Trần Phú
40 năm trước khi còn là cậu học sinh  trường cấp II Trần Phú bên bờ sông Lấp, tôi đã say mê biết mấy khi đọc bài thơ “Hải Phòng” của nhà thơ - nhà giáo Nguyễn Thanh Toàn viết về thành phố quê hương với những câu thơ lãng mạn, tuyệt vời:
... Bừng bừng những chùm hoa lửa
Nhịp cầu cong qua sông
Và những dòng sông phù sa từ trăm nguồn dồn về quánh đỏ
Dầu loang ánh sắc cầu vồng
Ở đây hơn ở đâu
Nơi nào cũng ngửi thấy mùi cần lao...
Yêu biết bao tâm hồn, nhịp thở của những người thợ trẻ ngày đêm dựng xây thành phố
Thành phố năm mươi vạn người
Tôi thấy ai như cũng gặp đâu rồi
Quen lắm
Những người bạn tôi làm thợ
Mười tám, hai mươi khoẻ như thành phố
Và họ đêm đêm nằm lắng nghe hơi thở của những con tàu rời bến:
... Như nghe còi tàu, người công nhân cảng
Biết con tàu nào rời bến
Và nhà thơ - người thợ Thanh Tùng tác giả của “Thời hoa đỏ” đã có những câu thơ rất cảm động, ấn tượng về thành phố thợ của mình khi anh phải đi xa:
... Mai tôi đi rồi
Tôi có khóc đâu mà gió ướt
Mà nắng rát lên tôi mặn chát
Mai tôi đi rồi
Để lại đây tiếng búa khắc vào hồn phố
Cùng mộng mơ lảng vảng cuối con đường
Những giọt mồ hôi từng hát lên trong suốt
Những lưng thợ đã bết mãi vào nhau
Ngọn lửa kia đốt lên thời trai trẻ
Bây giờ còn nóng trong tôi ...
Và khi được trở lại sau những năm xa cách, bước trên những con đường thân thuộc của thành phố, Thanh Tùng run rẩy, nghẹn ngào với những bước chân mình:
Thành phố gầy như ngực mẹ tôi
Tôi không dám mạnh chân sợ mặt đường long nhựa
Không dám cả cười buông thả
Sợ bao vết thương bom đạn vẫn chưa lành.
(Trở về)
Còn một nhà thơ nữa, đạo diễn NSND Đào Trọng Khánh cũng có câu thơ đặc biệt về thành phố anh yêu đến mức quên cả bản thân mình làm anh từng bị “tai nạn nghề nghiệp”.
Thành phố như chiều tầu chở đầy thuốc nổ
Ra đi cùng số phận mỗi con người
Nhà máy đóng tàu Nam Triệu
Chao ôi ! Tình yêu thành phố Biển “muối mặn, gừng cay” có những con sóng vỗ nhọc nhằn này đã làm mỗi người dân thành phố yêu nó xiết bao. Ai cũng cố góp một chút gì của mình để  dựng xây thành phố, để tin tưởng và hy vọng... Thấy thành phố ngày một đổi thay, ngày một đàng hoàng – một thành phố công nghiệp, hiện đại, trung dũng, anh hùng, quyết thắng như Bác Hồ đã tặng cho quân dân đất Cảng.
Năm 2011 tiêu điểm của thành phố là “Đô thị và bảo đảm an sinh xã hội ” cùng với đó là sự phát triển toàn diện từ các khu công nghiệp tập trung, từ hàng loạt các Xí nghiệp trong và ngoài nước vẫn đang hoạt động, phát triển trong tình trạng kinh tế thế giới đang suy thoái. Ở các huyện ngoại thành, nông nghiệp vẫn phát triển, lúa đạt năng suất cao, các ngành nghề khác được chú ý tạo điều kiện nâng cao đời sống của người nông dân. Nếu có dịp ta về chơi ở Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Hải v.v... đi trên con đường liên thôn, liên xã láng xi măng, đổ bê tông hoặc đường nhựa, thấy những chiếc xe công nông chở lúa, phân bón ra đồng, những trạm bơm nước vào đồng, rồi gặp bà con nông dân ra đồng làm việc đi xe đạp, xe máy, ăn mặc gọn gàng, trang bị cẩn thận, mới thấy đời sống ở nông thôn hôm nay thay đổi biết chừng nào. Và mừng hơn nữa, trẻ em ở đâu cũng được đến trường học tập trong những bộ quần áo đồng phục. Xã nào cũng có trường mẫu giáo, trường cơ sở; huyện có trường trung học. Nhiều học sinh ở nông thôn đã thi đỗ cao vào các trường đại học. Không có năm nào Hải Phòng chúng ta không có những học sinh đoạt giải cao trong các kì thi quốc gia và quốc tế. Trong cuộc thi đua toàn diện của 5 thành phố lớn toàn quốc 2 năm qua, Hải Phòng chúng ta là lá cờ đầu được các thành phố bạn suy tôn, công nhận... Đó là niềm vinh dự lớn lao, rất đáng tự hào của thành phố Cảng.
Phố Văn Cao - phố kiểu mẫu trong việc quy hoạch
Chính vì thế, còn biết bao việc dựng xây thành phố cần đến sự đóng góp của mỗi người dân như chuyện giải phóng mặt bằng cho những dự án xây dựng các khu công nghiệp, các khu sinh thái, du lịch, sân golf, các đường giao thông trọng điểm... vẫn chưa thực hiện được đúng kế hoạch, tiến trình làm chậm nhịp độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá thành phố. Những công trình Cầu Bính, các khu công nghiệp Đình Vũ, khu nhà ở Cựu Viên, Quán Trữ, khu cảng  tàu thuỷ ở Minh Đức (Thuỷ Nguyên) đang từng bước hoàn thiện. Hàng loạt các khu nhà ở cao tầng ở Văn Cao, ở đường Lê Hồng Phong, sân bay Cát Bi đang rất cần đến sự tự giác, nỗ lực của người dân trong việc “giải phóng mặt bằng”. Ở nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, ở thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng nhiều người dân đã hiến đất của mình để mở rộng đường xá, xây trường học, làm bệnh viện, đóng góp tiền của cá nhân để xây dựng quê hương to lớn, đàng hoàng hơn! Chỉ có chúng ta đoàn kết một lòng xây dựng mới làm thành phố ta biến đổi thực sự.
Mỗi tháng 5 về, trong trái tim chúng ta lại cháy lên niềm tin mãnh liệt về tương lai huy hoàng của thành phố biển cần lao. Chúng ta như những con sóng nhọc nhằn mải miết suốt đời dựng xây, làm lụng, yêu thương, hy vọng vào tương lai tốt đẹp về thành phố Hoa phượng đỏ yêu dấu của mình!
Nguyễn Long Khánh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...
 
Copyright © 2010-2012 CON CUA BIEN. All rights reserved.